“Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ. 100% Mỹ, nhưng tôi không mất gốc Việt”, Ryan Tạ bắt đầu lời giới thiệu về mình bằng tiếng Mỹ, mặc dù chàng trai “người Mỹ gốc Việt” đang ra tranh cử chức Dân biểu bang California, địa hạt 74, vẫn nghe, hiểu được tiếng Việt.
“Cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác tới Mỹ sau chiến tranh Việt Nam, từng gặp rất nhiều sóng gió sau ngày mất Sài Gòn, câu chuyện của gia đình tôi cũng tương tự như thế…”
Theo lời Ryan Tạ, cha mẹ anh đã phải làm việc cật lực để biến “giấc mơ Mỹ” thành hiện thực, với rất nhiều công việc trước khi có thể mở được tiệm bánh và từ đó gầy dựng các công việc kinh doanh khác thành công.
“Tôi nhìn thấy hành trình mà gia đình tôi, từ những người tị nạn chính trị với hai bàn tay trắng tới Mỹ, cho tới lúc này là khá thành công, tôi cảm thấy hãnh diện và nghĩ rằng mọi người trong xã hội nên được tạo điều kiện để làm được như vậy”.
Ryan cho biết một trong những cách mà anh sẽ dùng để giúp người dân trong khu vực cũng đạt được “giấc mơ định cư Mỹ” là tập trung cải thiện lĩnh vực giáo dục, nếu anh may mắn được chọn làm người đại diện cho họ.
“Theo tôi, giáo dục là yếu tố lớn nhất để dịch chuyển xã hội. Chúng ta thực sự cần phải giành lại sự ưu tiên cho giáo dục, điều mà trước đây đã làm. Chúng ta cần phải tạo điều kiện cho mọi người tiến lên, bắt đầu từ bậc thang nền tảng cốt lõi. Giáo dục thực sự là yếu tố giúp người ta vượt lên phía trước và đạt được những mục tiêu mong muốn. Trong cương vị một ứng cử viên, giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi”, Ryan chia sẻ với VOA.
Tốt nghiệp cử nhân hai ngành Xã hội học và Khoa học Máy tính từ đại học UCI (University of California, Irvine), Ryan Tạ cho biết anh đã phải gánh khoản nợ hàng chục ngàn đôla tiền học sau khi ra trường, nên “rất hiểu gánh nặng quá lớn đặt lên vai mọi người và mọi gia đình”.
Mục tiêu tại nghị trường tương lai của chàng trai gốc Việt là bảo đảm ngân sách tiểu bang phải ưu tiên dành cho giáo dục, “bắt đầu từ việc giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng nhất ở California là gỡ bỏ gánh nặng nợ nần cho những sinh viên nhiệt huyết trên khắp tiểu bang”. Lý do đơn giản, theo Ryan Tạ, “sinh viên tốt nghiệp mà ít nợ nần thì có thể khởi nghiệp ngay, theo đuổi ước mơ và tạo ra công ăn việc làm cho tương lai”.
Ngoài giáo dục, 2 lĩnh vực khác mà ứng cử viên trẻ tuổi gốc Việt quan tâm là môi trường và bình đẳng về lương bổng cho phụ nữ.
Ryan Tạ cho biết anh muốn đẩy vai trò lãnh đạo của khu vực thêm một bước trong việc bảo vệ môi trường, từ mục tiêu hiện tại là “cắt giảm lượng khí thải carbon” lên thành mục tiêu “xã hội không carbon” trong tương lai, bằng cách thành lập hội đồng những nhà khoa học, công nghệ hàng đầu để nghiên cứu, tìm giải pháp “cô lập carbon” và quảng bá những doanh nghiệp, công nghệ mới nói “không” với khí thải gây ô nhiễm này.
Về vấn đề bình đẳng lương cho nữ giới, Ryan Tạ xem dữ liệu “phụ nữ ở California chỉ được trả lương 88% so với đồng nghiệp nam giới” là một điều “không thể chấp nhận” trong thời đại này. Để giải quyết vấn đề, theo anh, cần phải tạo ra sự “minh bạch” bằng cách yêu cầu các công ty lớn ở California phải công bố thông tin về lương bổng hàng năm, từ đó mọi người có thể “nhận diện được vấn đề” và giải quyết nó.
“Có một sự cách biệt giữa công chúng và người đại diện cho họ trong thời gian qua… California cần một lãnh đạo thực sự làm được việc, suy nghĩ theo hướng lâu dài và có sáng kiến”, Ryan Tạ nói về lý do ra tranh cử.
“Gốc gác [Việt Nam] và kinh nghiệm thực sự đã hình thành con người của tôi hôm nay, quan điểm của tôi về vấn đề di dân và những vấn đề khác”, Ryan nói, với một khẳng định chắc chắn rằng “Với tôi, nước Mỹ mạnh nhất khi chúng ta có khả năng đón nhận người khác, cho họ cơ hội để thể hiện khả năng. Đó chính là điều đã làm cho nước Mỹ vĩ đại như ngày hôm nay, tạo nên sự hùng cường, đặc biệt là tại California, trong hàng trăm năm qua”.
Ryan Tạ, đảng Dân chủ, là một trong 5 ứng cử viên ra tranh cử cho chức dân biểu bang California ở địa hạt 74 năm nay. Một số đối thủ ở cả hai đảng cũng chọn vấn đề giáo dục làm trọng tâm tranh cử, bên cạnh kinh tế, môi trường, tội phạm, biên giới…
Theo VOA Tiếng Việt
Xem thêm: Người Việt ở Little Saigon đón tết như nào